Mình đang gặp những khó khăn trong việc tự học, đến từ 3 nguyên nhân chính:
Ghi chú thông tin chưa hiệu quả
Chưa diễn giải thông tin theo ý hiểu của bản thân
Chưa thực hành thông tin và đánh giá lại
Vậy nên, thay vì mò mẫm theo bản năng như trước, mình quyết định sẽ học cách “tự học”, bắt đầu từ vấn đề đầu tiên: Cách ghi chú.
Mình sẽ viết ra những gì học được qua bản tin hàng tuần, vừa để thực hành diễn giải kiến thức, đồng thời chia sẻ tới mọi người những hiểu biết đó thông qua lăng kính của mình.
Bài viết này được thực hiện sau khi mình đọc bản tin “Ghi chú - sợ mở rộng tâm trí" (tác giả Hoàng Long), cộng thêm việc hỏi đáp thêm cùng chat GPT, hi vọng những diễn giải của mình sẽ là thông tin hữu ích tới mọi người.
Chúng ta cùng bắt đầu nhé.
1. Ghi chú là gì?
Ghi chú là việc chúng ta chủ động lưu lại thông tin (chữ, hình ảnh, âm thanh) trên các công cụ tương ứng (giấy, điện thoại hoặc máy tính).
Mình thấy có 2 cấp độ ghi chú:
Dễ nhất, là sao chép những gì nghe/nhìn/đọc (chép lại bài giảng của giáo viên lên vở, ghi âm lại một buổi nói chuyện,…), khi này chúng ta sử dụng ngôn ngữ của người khác
Khó hơn, là diễn giải những gì nghe/nhìn/đọc theo ý hiểu của bản thân (nhìn vào tài liệu, nhớ lại buổi nói chuyện,…), khi này chúng ta sử dụng ngôn ngữ của bản thân để diễn đạt lại
2. Vì sao con người cần ghi chú?
Để phát triển bản thân (tiếp thu kiến thức để cải thiện điểm yếu và phát triển điểm mạnh, hoặc để làm việc (vận hành công việc khối lượng lớn một cách trơn tru, hiệu quả và chính xác), hoặc là cả hai.
Xét riêng về việc phát triển bản thân, quy trình thường sẽ thế này:
(1) Tiếp thu thông tin bằng việc đọc sách, nghe podcast, xem video bài giảng,…
(2) Xử lý và lưu trữ thông tin bằng việc diễn giải nhằm xây dựng hiểu biết sâu sắc hơn
(3) Sử dụng thông tin bằng việc dùng hiểu biết trên để áp dụng vào công việc hiện tại.
Những khó khăn tương ứng với quá trình trên là:
(1’) Thông tin quá nhiều (nhiều trang tài liệu, cuộc nói chuyện dài,…) dẫn đến khó tiếp nhận và nhớ hết được
(2’) Quá nhiều thông tin khiến lười xem lại, hoặc chủ quan không diễn giải lại dẫn đến không thực sự hiểu kiến thức đó là gì
(3’) Không nhớ chính xác thông tin dẫn đến không áp dụng được, hoặc có nhưng chưa hiệu quả
Tất cả những vấn đề trên liên quan tới hai khái niệm tải nhận thức và sự quên lãng của con người.
Đó cũng là lí do vì sao chúng ta lại phát minh ra các thể loại thông tin (chữ viết, hình ảnh, âm thanh) và công cụ để lưu giữ (giấy, sổ, điện thoại, laptop, máy ghi âm,…), bởi vì:
3. Lợi ích của ghi chú trên công cụ đối với việc học tập
3.1. Giúp lưu trữ được khối lượng thông tin lớn so với khả năng của não bộ
Khi tiếp thu lượng lớn thông tin, con người gặp rào cản thứ nhất: quá nhiều để nhận thức.
Điều này liên quan tới khái niệm “Tải nhận thức”.
Theo John Sweller và cộng sự (1980), tải nhận thức là lượng thông tin (hay dung lượng) có thể tiếp nhận và xử lí được trong một khoảng thời gian. Nếu dung lượng quá lớn, ta sẽ gặp khó khăn trong việc việc tiếp thu và xử lí.
Mình có hỏi chat GPT thế này: “Ở đây là bao nhiêu thông tin (tính theo đơn vị gì) và trong bao nhiêu thời gian?”
Chat GPT nói rất khó xác định, vì còn phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Sự khác biệt của các loại thông tin: định dạng khác nhau (chữ, hình, video) dẫn đến não sẽ có cách tiếp nhận và xử lí khác nhau.
- Sự khác biệt của người học (dựa theo năng lực, tình trạng tinh thần khi đó, kinh nghiệm học trước kia), hoặc bối cảnh của thông tin (lý thuyết suông hay đi kèm tình huống gây cười).
- Hiện tại chưa có đơn vị đo lường chính xác lượng thông tin mà não có thể xử lí.
Tuy nhiên, mình nghĩ tình trạng “ghi nhớ” là dấu hiệu dễ nhận biết nhất để đánh giá xem lượng thông tin đang nạp vào có quá tải nhận thức hay không.
Ví dụ như đợt mình làm bán hàng tại Homefarm (chuyên bán cá hồi), khách vào chọn theo miếng và nhân viên thái theo yêu cầu.
- Khi chỉ có 1-2 khách, mình dễ dàng nhớ được họ chọn miếng nào, bao nhiêu gam. Sau khi thái xong, mình vẫn có thể nhớ số gam để nhập lên máy tính và thanh toán.
- Nhưng khi có 3-5 khách, trong lúc xử lý đơn của khách 1-2, mình không thể nhớ những khách số 3-4-5 chọn miếng nào với số gam bao nhiêu, do đó ngay sau khi cân xong, mình phải lưu thông tin từng đơn trên máy tính.
Khi này, máy tính là trợ thủ đắc lực để đảm bảo quy trình bán hàng nhanh chóng và chính xác.
Ghi chú trên công cụ giúp ta lưu trữ được lượng thông tin lớn do não bộ không thể tiếp thu được nhiều thông tin trong cùng một thời điểm
Thay vì phải tự nhớ thì đã có công cụ “nhớ” hộ chúng mình rồi.
3.2. Giúp lưu trữ được thông tin lâu hơn so với khả năng của não bộ
Vẫn là khi tiếp thu lượng lớn thông tin, con người gặp rào cản thứ hai: quá nhiều để ghi nhớ.
Điều này liên quan tới khái niệm “quên”, là việc không nhớ hẳn hoặc không nhớ chính xác một điều gì đó đã từng tiếp xúc.
Quên lãng không thể hiện việc chúng ta kém tư duy hay khả năng, đây hoàn toàn là đặc tính tự nhiên của con người.
Theo hai nghiên cứu của Quiroga (2017) và Carey (2015) , quên là loại bỏ những cái không quan trọng để ghi nhớ cái quan trọng hơn phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Sẽ rất dể hiểu trong việc ăn uống hàng ngày: mình thực sự không nhớ chủ nhật tuần trước ăn gì, nhưng rõ ràng là mình cần nhớ hoặc cần biết hiện tại trong tủ lạnh có gì để nấu bữa tiếp theo hay không.
Ăn gì vào chủ nhật tuần trước không quan trọng, có nguyên liệu gì để nấu bữa tiếp theo mới quan trọng.
Tiếp theo, đó là con người rất dễ quên.
Điều này được chứng minh bởi thí nghiệm phát hiện đường cong quên lãng nổi tiếng của Hermann Ebbinghaus vào năm 1885. Trong đó, ông đã học thuộc hàng ngàn từ vựng và theo dõi số lượng từ còn nhớ được theo thời gian
Đây là sơ đồ biểu thị kết quả:
Sau khoảng 20 phút, ông còn nhớ khoảng 55%
Sau khoảng 9 tiếng, ông còn nhớ khoảng 40%
Sau 1 ngày, ông còn nhớ khoảng 30%
Sau 6 ngày, ông còn nhớ khoảng 25%
Kết quả này chứng tỏ rằng, lượng thông tin nhớ được từ việc tiếp thu thụ động (học thuộc) ở thời điểm ban đầu sẽ giảm dần theo thời gian. Đây là lí do cho việc ta nên sử dụng công cụ để lưu lại thông tin vì tính lâu dài và bền vững của nó, bất kể là trên giấy hay trên nền tảng số.
Ghi chú trên công cụ giúp lưu trữ được thông tin lâu hơn do não bộ dễ quên nhiều thông tin theo thời gian
Trí nhớ có thể phai dần, nhưng thông tin lưu trên công cụ thì không.
Tài liệu tham khảo
https://theeducationhub.org.nz/an-introduction-to-cognitive-load-theory/
https://g.co/gemini/share/0a1ffd321441
Quiroga, R. Q. (2017). The forgetting machine: Memory, perception, and the Jennifer Aniston neuron
Carey, B. (2015). How we learn: The surprising truth about when, where, and why it happens
Hermann Ebbinghaus (1850-1909). Memory: A Contribution to Experimental Psychology